Thăm dò ý kiến
  • Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
TỔNG SỐ LƯỢT TRUY CẬP
 Bản in     Gởi bài viết  
Chuyên đề “Nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sinh hoạt chi bộ” 
Ngày 28/6/2024, Chi bộ Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Bình tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sinh hoạt chi bộ” cho toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động của Trung tâm.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng. Người khẳng định “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”, “muốn đoàn kết chặt chẽ trong Đảng, ắt phải thống nhất tư tưởng, mở rộng tự phê bình và phê bình” và Người xem đây là nguyên tắc sinh hoạt của Đảng, là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Đồng thời, Người chỉ dẫn tự phê bình là bản thân tự mình soi rọi mình, tự nghiêm khắc, thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa. Phê bình là nêu lên những khuyết điểm của đồng chí khác, của tổ chức đảng nhằm phát huy ưu điểm và khắc phục khuyết điểm. Vì vậy, Chi bộ xác định đây là việc làm thường xuyên, là trách nhiệm của đơn vị và của mỗi cán bộ, đảng viên, tạo sự thống nhất trong nhận thức và tổ chức thực hiện, xây dựng Chi bộ thật sự trong sạch, vững mạnh.

Nội dung chuyên đề xuất phát từ tình hình thực tế trong quá trình sinh hoạt Chi bộ thường kỳ cũng như việc đánh giá chất lượng đảng viên hàng năm cho thấy phần lớn đảng viên đều e ngại, không dám nói thẳng, nói thật vì sợ mất lòng, ngại va chạm, không dám đấu tranh phê bình hoặc có phê bình nhưng rất hạn chế. Để Chi bộ có các hình thức sinh hoạt đạt hiệu quả cao hơn, góp phần thay đổi tư duy, hành động, nếp sinh hoạt cũ của từng cán bộ, đảng viên, đồng thời thấm nhuần việc học tập và làm theo tấm gương của Bác, Chi bộ cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII, trong đó vấn đề tự phê bình và phê bình là nhiệm vụ phải được thực hiện tự giác, thường xuyên của cấp ủy, Chi bộ và cán bộ, đảng viên bằng các giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ. Thường xuyên quán triệt, học tập và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đó vận dụng vào điều kiện thực tế sinh hoạt cấp uỷ, Chi bộ. Khuyến khích cán bộ, đảng viên dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm và có nhiều sáng tạo trong công việc, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Hai là, nghiên cứu bổ sung, sửa đổi các quy chế, quy định, chế độ công tác, lề lối làm việc của chi bộ, của đơn vị làm cơ sở cho việc nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình. 

Ba là, phát huy tính dân chủ, tránh áp đặt, bệnh hình thức trong tự phê bình và phê bình. Đảng viên phải nêu cao tính chiến đấu, khắc phục tâm lý tự ti, dĩ hòa vi quý, nể nang, né tránh hoặc sợ người mình phê bình trù dập... Cấp ủy đảng phải kiên quyết xử lý những đảng viên có hành vi trả thù, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình. Xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng phê bình để bôi nhọ, nói xấu, vu cáo, hạ uy tín của đảng viên, tổ chức Đảng.

Bốn là, thực hiện có hiệu quả, duy trì thường xuyên việc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ. Trong đó, Bí thư Chi bộ, người đứng đầu đơn vị giữ vai trò tiêu biểu, gương mẫu, thực hiện nghiêm túc phương châm “trên trước, dưới sau”, “từ trong ra, từ ngoài vào” để bảo đảm dân chủ, khách quan, trung thực, đầy đủ, triệt để trong phê bình và tự phê bình. Coi trọng sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và có biện pháp thực hiện tự phê bình và phê bình phù hợp với thực tế, có chất lượng.

Năm là, căn cứ vào tình hình thực tiễn, nhiệm vụ chính trị của đơn vị, thực hiện nghiêm túc, có nề nếp phê bình và tự phê bình thông qua sinh hoạt chi bộ hàng tháng là việc làm mang tính xây dựng, phát triển nội dung sinh hoạt, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Chi bộ, đảng viên; nhận thức, vận dụng đúng quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực công tác; thực hiện giải pháp cải tiến, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ về công tác phê bình và tự phê bình.

Sáu là, mỗi cán bộ, đảng viên tự giác tự phê bình và phê bình với thái độ thẳng thắn, trung thực, phê bình đồng chí mình phải trên tinh thần đồng chí, chân thành, xây dựng, thái độ vô tư, khách quan; phải tự kiểm tra, đánh giá lại kết quả công việc đã thực hiện đến đâu, với mức độ, kết quả như thế nào, có kết quả, sáng kiến gì để phát huy; những gì chưa làm được hay làm với kết quả chưa như mong muốn cần điều chỉnh; đề ra biện pháp khắc phục sửa chữa những thiếu sót, hạn chế, khuyết điểm; đề xuất những vấn đề mới với lãnh đạo đơn vị, chi bộ để có biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ, tháo gỡ và tạo điều kiện để thực hiện tốt nhiệm vụ, công việc, phần việc được giao; tiếp thu ý kiến của đồng chí, đồng nghiệp, của lãnh đạo đơn vị, chi ủy,... để phát huy mặt mạnh, khắc phục sửa chữa, điều chỉnh mặt yếu còn tồn tại, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Bảy là, nghiêm túc phê bình, đấu tranh chống lại những biểu hiện chủ quan tư tưởng trong công tác phê bình, lời phê bình không xuất phát từ việc xây dựng mà mang mục đích cá nhân như: chỉ trích, trù dập đồng chí, đồng nghiệp; hay lợi dụng việc phê bình để ca thán, tán tụng một cách thái quá vì mục đích cá nhân hoặc lợi ích nhóm.

Tại buổi sinh hoạt chuyên đề, các ý kiến tham luận với những nội dung thiết thực, gắn với tình hình thực tiễn và nhiệm vụ được giao của đơn vị. Thực hiện tốt tự phê bình và phê bình sẽ là cơ sở góp phần để Chi bộ thực hiện thắng lợi nghị quyết mà đại hội Đảng bộ đã đề ra và đó cũng là tiền đề để Chi bộ Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Bình tiếp tục phát huy dân chủ, khơi dậy trí tuệ của từng cán bộ, đảng viên trong việc xây dựng Chi bộ trong sạch, vững mạnh./.

                                                                             Nguyễn Thị Hóa

[Trở về]