Thăm dò ý kiến
  • Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
TỔNG SỐ LƯỢT TRUY CẬP
 Bản in     Gởi bài viết  
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA TRUNG TÂM 

 

1. Hoàn cảnh ra đời
Quảng Bình là một trong những tỉnh thuộc khu vực Bắc miền Trung trong chiến tranh là mảnh đất bị tàn phá nặng nề, để lại hậu quả nghiêm trọng về người, cơ sở hạ tầng và của cải nhân dân. Bên cạnh hậu quả của chiến tranh, Quảng Bình còn là một tỉnh nghèo và thường xuyên bị thiên tai đe dọa, như: bão, lũ lụt, hạn hán,… đã làm ảnh hưởng đến đời sống, môi trường và sức khỏe đối với con người. Chính vì vậy, số đối tượng chính sách nói riêng và số đối tượng xã hội nói chung của tỉnh chiếm tỷ lệ khá lớn. Theo số liệu từ các địa phương báo cáo năm 1995 Quảng Bình có 850 trẻ mồ côi cơ nhỡ, 1.023 người già cả cô đơn không nơi nương tựa (trong đó có 523 cụ ông, cụ bà là những người có công với nước), 4.276 người tàn tật và nhiều loại đối tượng chính sách xã hội khác cần được sự quan tâm giúp đỡ, vì vậy nhu cầu về nuôi dưỡng tập trung cho các đối tượng này là rất cần thiết.
Xuất phát từ tình hình đó, ngày 08 tháng 12 năm 1995 Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 1124/QĐ-UBND về việc thành lập Trung tâm Bảo trợ xã hội (trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) là đơn vị sự nghiệp với chức năng chăm sóc, nuôi dưỡng cho các đối tượng xã hội không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, người tàn tật.
Sau gần 6 tháng ổn định bộ máy, Trung tâm chính thức tổ chức tiếp nhận đối tượng vào quản lý, nuôi dưỡng tập trung cho các đối tượng. Đây là lĩnh vực công tác hoàn toàn mới, từ Lãnh đạo Trung tâm đến cán bộ, nhân viên chưa có kinh nghiệm; nhưng tập thể Trung tâm luôn nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí, trách nhiệm và ý nghĩa chính trị, tính nhân văn sâu sắc, nhằm thực hiện truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “thương người như thể thương thân” của dân tộc để tri ân những người có công với cách mạng và chăm sóc các đối tượng yếu thế trong xã hội.
Trong suốt chặng đường hơn 25 năm qua, Trung tâm đã không ngừng phát triển và lớn mạnh về mọi mặt, từng bước khẳng định được vị trí, vai trò của mình. Mặc dù, còn nhiều khó khăn và thách thức nhưng tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm Bảo trợ xã hội Quảng Bình đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua và đạt được nhiều thành tích nhất định: Cơ sở vật chất, trang thiết bị tiếp tục được đầu tư và nâng cấp theo hướng hiện đại; đội ngũ cán bộ, viên chức được tăng cường cả về số lượng và chất lượng; công tác chăm sóc, nuôi dưỡng ngày càng được nâng cao đáp ứng nhu cầu cho đối tượng; hoạt động nghề công tác xã hội từng bước có hiệu quả và đi vào chiều sâu; tình hình đời sống vật chất - tinh thần của cán bộ, viên chức và người lao động của Trung tâm ngày càng được cải thiện, ổn định và nâng cao.
2. Các giai đoạn phát triển
Sự hình thành, xây dựng và phát triển của Trung tâm được chia làm 05 giai đoạn, như sau:
2.1. Giai đoạn từ ngày 08/12/1995 đến tháng 12/2000.
Ngày 08 tháng 12 năm 1995, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 1124/QĐ-UBND về việc thành lập Trung tâm Bảo trợ xã hội với bộ máy gồm: 01 Giám đốc, bộ phận Tổ chức - Hành chính - Kế toán, bộ phận Nuôi dưỡng - Y tế, với chức năng nhiệm vụ được giao là chăm sóc, nuôi dưỡng người các đối tượng xã hội gồm người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa và trẻ em mồ côi, trẻ em vô thừa nhận, người bị tàn tật nặng không nơi nương tựa.
Khi mới thành lập, Trung tâm được tiếp nhận khu nhà xưởng của Xí nghiệp cơ khí 3/2 chuyển sang, lúc này đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm mới chỉ có 08 người, gồm 02 viên chức, 06 Hợp đồng NĐ 68. Sau khi ổn định tổ chức bộ máy và chuẩn bị cơ sở vật chất, đến giữa năm 1996 Trung tâm tiếp nhận 26 đối tượng đầu tiên vào chăm sóc, nuôi dưỡng (trong đó có 01 người cao tuổi, 25 trẻ mồ côi), đến tháng 12/2000 số đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng là 43 người (trong đó 09 người cao tuổi, 34 trẻ mồ côi).
Trong những buổi đầu hoạt động, công việc mới mẻ và tương đối phức tạp: từ khâu tiếp nhận, bố trí phòng ở đến việc phục vụ ăn uống, học tập, chăm sóc sức khỏe, thuốc men, các hoạt động vui chơi, văn nghệ, thể dục thể thao đều gặp nhiều khó khăn, kinh phí hoạt động hạn chế, các trang thiết bị thiếu thốn… nhưng với tinh thần đoàn kết, đồng lòng, tâm huyết, tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm đã từng bước vượt qua những thời điểm khó khăn và đạt được những thành tích nhất định. Thành công bước đầu đã tạo thêm niềm tin cho cán bộ, nhân viên Trung tâm đặt nền móng, bước đi đầu tiên cho công tác quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng cho các đối tượng sau này.
2.2. Giai đoạn từ tháng 01/2001 đến tháng12/2005
Sau những thành công bước đầu trong công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng, trong giai đoạn này Trung tâm tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm có 10 người, gồm 04 viên chức, 06 Hợp đồng NĐ 68. Số đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung tại Trung tâm đến cuối năm 2005 là 28 người, gồm: 10 đối tượng người già, 16 đối tượng trẻ mồ côi, 02 đối tượng tàn tật.
Trong giai đoạn này, do yêu cầu cấp bách đối với việc chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, thương binh, bệnh binh tham gia chiến đấu trở về địa phương già yếu không có nơi nương tựa. Do đó, ngày 16 tháng 3 năm 2005, UBND tỉnh đã có Quyết định số 14/QĐ-UB về việc kiện toàn Trung tâm Bảo trợ xã hội thành Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và đối tượng xã hội, Trung tâm được giao thêm chức năng, nuôi dưỡng, chăm sóc người có công với cách mạng không nơi nương tựa trên địa bàn tỉnh.
2.3. Giai đoạn từ tháng 01/2006 đến tháng 12/2010
Căn cứ Quyết định số 1001/QĐ-TTg ngày 08/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc giải thể Ủy ban Dân số gia đình và Trẻ em, chuyển các chức năng của Ủy ban này sang các Bộ có liên quan thực hiện. Ngày 05 tháng 02 năm 2009, UBND tỉnh có Quyết định số 178/QĐ-UBND Hợp nhất Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và đối tượng xã hội với Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ em khuyết tật thành Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Bình và được bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật trên địa bàn tỉnh.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Bảo trợ xã hội đã được kiện toàn lại bộ máy tổ chức lãnh đạo nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị được giao. Từ đó, công tác quản lý, tổ chức các hoạt động của Trung tâm đã có nhiều khởi sắc và đi vào chiều sâu.
Đến cuối năm 2010, đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm có 17 người, gồm 10 viên chức, 07 Hợp đồng NĐ 68; LĐHĐ quỹ lương (cô nuôi) 04 người. Số đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung tại Trung tâm là 62 người, gồm 11 đối tượng người già, 15 đối tượng trẻ mồ côi, 05 đối tượng tàn tật, 31 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi; ngoài ra còn có 12 đối tượng được phục hồi chức năng.
2.4. Giai đoạn từ tháng 01/2011 đến tháng 01 năm2022
Đây là giai đoạn Trung tâm có sự chuyển mình tích cực về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới. Tổ chức bộ máy được tăng cường gồm: Ban Giám đốc, 03 phòng nghiệp vụ đó là Phòng Tổ chức - Hành chính - Tổng hợp, Phòng Y tế - Phục hồi chức năng, Phòng Quản lý đối tượng. Đội ngũ cán bộ nhân viên được bổ sung về lượng, nâng cao về chất, được sắp xếp, bố trí phù hợp với cơ cấu tuyển dụng, năng lực sở trường, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Số đối tượng được tiếp nhận vào chăm sóc, nuôi dưỡng và được tư vấn, trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng ngày càng nhiều. Số đối tượng nuôi dưỡng tập trung hàng năm từ 70 - 90 người; mỗi năm tư vấn, trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng từ 10 - 20 cháu bị dị tật bẩm sinh.
Cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo, mua sắm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ được giao. Dự án nâng cấp, xây mới nhà làm việc phục vụ cho hoạt động cung cấp dịch vụ Công tác xã hội 1,5 tỷ đồng đã hoàn thành đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả.
Ngày 30/6/2015, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 3060/QĐ-SLĐTBXH về việc Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Bảo trợ xã hội Quảng Bình Trung tâm, ngoài các chức năng, nhiệm vụ đang thực hiện, Trung tâm được bổ sung thêm nhiệm vụ làm đầu mối cung cấp các dịch vụ công tác xã hội theo Đề án 32 của Chính phủ. Sau khi Quyết định được ban hành, Lãnh đạo Trung tâm đã tổ chức kiện toàn lại bộ máy, bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ, viên chức, lao động hợp lý theo trình độ đào tạo, năng lực công tác và sở trường. Mặc dù, trong điều kiện cơ sở vật chất còn gặp nhiều khó khăn; mức lương của cán bộ, nhân viên còn rất thấp so với mặt bằng chung, phụ cấp đặc thù nghề chưa được quy định rõ ràng và chưa tương xứng với nhiệm vụ đề ra; nhiệm vụ, chức năng của Trung tâm được bổ sung, nhưng định biên cán bộ, nhân viên chưa được bổ sung thêm. Song, được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ, động viên của Ủy ban nhân tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ban ngành liên quan cùng với tinh thần trách nhiệm, nỗ lực vượt khó, tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm Bảo trợ xã hội Quảng Bình đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ về công tác quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc cho các đối tượng, góp phần thực hiện tốt Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và thực hiện các chính sách về an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
2.5. Giai đoạn từ tháng 02/2022 đến nay
Ngày 25 tháng 02 năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 513/QĐ-UBND về việc thành lập Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Bình thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trên cơ sở hợp nhất Quỹ Bảo trợ trẻ em và Trung tâm Bảo trợ xã hội với bộ máy gồm: 01 Giám đốc, 2 phó giám đốc, 04 phòng chuyên môn nghiệp vụ, với chức năng cung cấp các dịch vụ công tác xã hội; tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng quy định tại Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 của Chính phủ; phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật và người khuyết tật; tổ chức vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn đóng góp xây dựng quỹ, nguồn tài trợ trong nước và quốc tế để góp phần thực hiện các mục tiêu về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh.

 Quyết định 513/QĐ-UBND ngày 25/2/2022 của UBND tỉnh về việc Thành lập Trung tâm Công tác xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trên cơ sở hợp nhất Quỹ bảo trợ trẻ em và Trung tâm Bảo trợ xã hội

 

 

[Trở về]