Thăm dò ý kiến
  • Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
TỔNG SỐ LƯỢT TRUY CẬP
 Bản in     Gởi bài viết  
Một số giải pháp giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em 
Tăng cường trang bị những kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước kịp thời cho trẻ em đồng thời nâng cao trách nhiệm, sự quan tâm, giám sát của gia đình nhằm phòng tránh tai nạn đuối nước, phòng tránh những điều đáng tiếc xảy ra đặc biệt vào các dịp nghỉ hè.

Quảng Bình là một tỉnh có địa hình hẹp, dân số hơn 75% chủ yếu sinh sống ở nông thôn. Là một tỉnh có bờ biển dài với nhiều con sông lớn nhỏ, hệ thống sông ngòi khá dày đặc và phức tạp nên về mùa mưa lũ nước thường chảy xiết tạo ra nhiều dòng xoáy nguy hiểm. Ngoài ra, Quảng Bình còn là một tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài, mưa lũ thất thường dẫn đến nguy cơ trẻ em đuối nước cao. Theo thống kê, năm 2020, toàn tỉnh có 26 trẻ em bị đuối nước, năm 2021 có 41 em và năm 2022 có 36 em. Xác định tính chất quan trọng và sự cần thiết, trong những năm qua UBND tỉnh Quảng Bình, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường công tác phòng, chống đuối nước và dạy bơi cho trẻ em. Sau khi triển khai thực hiện đã đạt được một số kết quả nhất định, các ngành chức năng đã có nhiều biện pháp, giải pháp nhằm hạn chế tai nạn đuối nước ở trẻ em.

Tuy vậy, tình trạng đuối nước xảy ra vẫn còn nhiều, trẻ em đuối nước tập trung chủ yếu ở các vùng nông thôn, miền núi, nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, bố mẹ, người thân thường phải lam lũ kiếm tiền mưu sinh, trang trải cuộc sống nên ít có thời gian để ý, quan tâm, giám sát tới trẻ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước, trong đó nguyên nhân chính dẫn đến đuối nước cho trẻ em là do các em chưa biết bơi và thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Bên cạnh đó, sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh, chưa giám sát chặt chẽ con trẻ hoặc thiếu người trông coi, chăm sóc, để trẻ tự do đi lại cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên những tai nạn đuối nước thương tâm của con trẻ.

Để góp phần giảm thiểu tai nạn đuối nước thì việc phổ cập bơi lội cho trẻ em là rất cần thiết. Tuy nhiên, ở nông thôn, miền núi việc phổ cập bơi lội cho trẻ em không hề dễ dàng khi rất nhiều trường không có bể bơi, không có giáo viên phụ trách. Vì vậy, điều hết sức cần thiết, cấp bách hiện nay là trang bị những kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước kịp thời cho trẻ và tăng cường trách nhiệm, sự quan tâm, giám sát của gia đình nhằm phòng tránh tai nạn đuối nước, phòng tránh những điều đáng tiếc xảy ra.

 

*Một số lời khuyên cơ bản dành về cách phòng tránh đuối nước cho trẻ em dành cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ tại gia đình và các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em:

1. Trẻ em chưa biết bơi không chơi cạnh sông, suối, ao, hồ

2. Không bơi một mình hoặc không có người lớn đi kèm

3. Không bơi chỗ nước sâu chảy xiết

4. Không bơi khi ăn quá no hoặc quá đói

5. Không bơi khi cơ thể có nhiều mồ hôi

6. Không bơi giữa trưa hè, nắng nóng dễ bị cảm nắng

7. Không bơi khi trời tối, mưa sấm chớp

8. Khi ra biển kể cả biết bơi chỉ nên bơi gần bờ nhưng quan sát để tránh dòng chảy xa bờ

* Ngoài ra, gia đình và các cơ quan chức năng cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

- Rào ao, hồ nước, rảnh nước quanh nhà

- Luôn đậy nắp giếng, bể bơi, lu đựng nước

- Cắm biển báo nơi nguy hiểm, nước xoáy, trơn trượt

Hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ngành, địa phương, sự quan tâm giám sát của gia đình, người chăm sóc trẻ cùng với sự hiểu biết và ý thức tự bảo vệ, phòng tránh của chính bản thân trẻ, tình hình đuối nước ở trẻ em ngày càng được giảm thiểu và đẩy lùi.

 

                                                                   Trương Thị Thanh Hoa                   

[Trở về]